Mật độ trồng xen dày đặc như thế sẽ tạo ra sự cạnh tranh gay gắt về ánh sáng, độ ẩm và nguồn dinh dưỡng của nhiều loại cây trồng, làm cho cây cà phê sinh trưởng, phát triển kém, cùng với sâu bệnh hại phát sinh.
Phân tích hệ sinh thái vườn cà phê tại xã Ea Tu, TP. Buôn Ma Thuột.
Qua trao đổi với chủ vườn, cùng quan sát cho thấy việc sử dụng phân bón cho cà phê chưa đáp ứng nhu cầu sinh trưởng của cây qua từng giai đoạn, đặc biệt là thời kỳ đang ra hoa, đậu quả hiện nay. Cây cà phê có biểu hiện thiếu dinh dưỡng, kể cả đa lượng, trung lượng và vi lượng được biểu hiện qua lá, thân, chồi...
Lá cà phê không được xanh đậm, thiếu độ dày; cây phát triển kém, không cân xứng, ít cành, ít chồi mới, một số lá chuyển vàng úa, thỉnh thoảng đầu cành bị khô. Một số cây lá chuyển sang màu đỏ xỉn đến nâu tím, bắt đầu từ đầu lá, sau lan dần toàn bộ lá, biểu hiện sự thiếu lân. Có cây trên lá còn xuất hiện các sọc vàng sậm, kể cả các vệt màu nâu đen dọc rìa lá, lan từ đỉnh lá xuống biểu hiện triệu chứng thiếu kali...
Đối với tình hình sâu bệnh hại vườn cà phê, thực tế cho thấy, nhiều cây cà phê đang bị rệp sáp bám vào các cụm hoa, quả non chích hút làm khô cành quả. Tây Nguyên giờ đang mùa khô, thời kỳ này, nếu cà phê không khỏe, rệp sáp trắng càng có cơ hội phát sinh lây lan gây hại. Bên cạnh đó, nấm muội đen, nấm hồng, nấm rỉ sắt cũng phát sinh gây hại trên một số cây cà phê tại vườn.
Một điều đáng quan tâm là lực lượng thiên địch (sinh vật có lợi) rất ít trên vườn cà phê, cho thấy sự mất cân bằng của chuỗi thức ăn giữa các sinh vật trong hệ sinh thái vườn cây. Hay nói cách khác vườn cà phê nói trên đã sử dụng thuốc hóa học không tuân thủ “bốn đúng” (đúng thuốc, đúng lúc, đúng cách, đúng liều lượng - nồng độ), tạo điều kiện dịch hại có thể xảy ra bất cứ lúc nào khi điều kiện môi trường thích hợp.
Đây cũng là tình trạng chung của nhiều vườn cà phê khi chủ vườn chưa nắm được quy trình kỹ thuật trồng và chăm sóc cụ thể các loại cây trồng xen trong cà phê; cứ trồng theo xu thế thị trường, thậm chí sau vài năm nhận thấy cây trồng xen không hiệu quả thì lại tiếp tục trồng cây khác xen vào, mong có thêm thu nhập. Dần dần vườn cà phê biến thành vườn tạp với đủ loại cây; năng suất, chất lượng cà phê giảm trầm trọng.
Cho đến lúc này, việc trồng xen các loại cây có giá trị kinh tế vào trong vườn cà phê vối vẫn là một giải pháp rất phù hợp và đã được áp dụng rộng rãi trong thực tiễn sản xuất.
Trồng xen trong vườn cà phê vừa tạo sản phẩm đa dạng, vừa có những tương hỗ sinh học tốt, chứng minh được tính bền vững về mặt kinh tế và môi trường hơn hẳn so với cà phê trồng thuần trong điều kiện kinh tế và tự nhiên có nhiều biến động bất lợi.
Tuy nhiên, trồng xen như thế nào để không ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng cà phê, tạo một vườn cà phê bền vững ổn định là một biện pháp cơ bản mà người sản xuất cần thiết phải nắm vững để áp dụng trên vườn của mình.
Việc chọn cây trồng xen và mật độ phù hợp đã được các cơ quan chuyên môn nghiên cứu khảo nghiệm trình diễn và ban hành quy trình cụ thể. Các địa phương cần tăng cường tổ chức tập huấn, chia sẻ, hướng dẫn cụ thể đến nông dân những kiến thức này.
Về cách xử lý đối với các vườn cà phê tạp như nói ở trên, trước hết cần mạnh dạn nhổ bỏ những loại cây ăn quả trồng xen không đúng vị trí quy định, để ổn định mật độ cây trồng. Tăng cường cung cấp nước đầy đủ trong mùa khô bằng các phương án tưới tiết kiệm; cung cấp dinh dưỡng cho cà phê bằng các nguồn phân bón, đặc biệt chú ý tăng cường nguồn phân hữu cơ cho vườn cà phê để tạo điều kiện đất tơi xốp có khả năng giữ nước và thoát nước đảm bảo, hệ vi sinh vật đất hoạt động phân giải cao để hệ rễ cây cà phê hút dinh dưỡng tốt nhất nuôi cây, cây khỏe, kháng được sâu bệnh; hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hóa học.
Cẩm Lai
Bài viết gốc: https://www.baodaklak.vn/kinh-te/202404/luu-y-mat-do-cay-trong-xen-trong-vuon-ca-phe-d44150e/