Chú trọng chế biến sâu
Theo danh mục thu hút đầu tư 8 dự án trong lĩnh vực nông nghiệp gồm: Dự án đầu tư sản xuất, chế biến, nông sản, lâm sản, thủy sản, hải sản tập trung tại xã Phú Lộc và xã Ea Hồ, huyện Krông Năng với diện tích hơn 239 ha, tổng mức đầu tư 235 tỷ đồng; Dự án nhà máy chế biến các sản phẩm từ trái cây (sầu riêng, bơ, mít) tại cụm công nghiệp Ea Đar, huyện Ea Kar có diện tích 5 ha, tổng vốn đầu tư 100 tỷ đồng; Nhà máy chế biến dứa tươi tại xã Cư Đrăm, huyện Krông Bông với diện tích 15 ha, tổng mức đầu tư 250 tỷ đồng; Nhà máy sản xuất thức ăn gia súc, gia cầm với diện tích 5 ha, tổng mức đầu tư 150 tỷ đồng tại cụm công nghiệp Ea Ral và cụm công nghiệp phía bắc huyện Ea H’leo; Nhà máy chế biến các sản phẩm đông lạnh đóng hộp xuất khẩu (bơ, sầu riêng, mít, xoài,…) với diện tích 3 ha, tổng mức đầu tư 50 tỷ đồng tại cụm công nghiệp Ea Ral và cụm công nghiệp phía bắc huyện Ea H’leo; Nhà máy chế biến sâu các mặt hàng nông sản (cà phê, hồ tiêu, điều, mắc ca, chanh dây, dứa…) tại cụm công nghiệp Ea Ral và cụm công nghiệp phía bắc huyện Ea H’leo với diện tích 3 ha, tổng mức đầu tư 50 tỷ đồng…
Đắk Lắk có diện tích nông nghiệp lớn, nhiều loại nông sản đứng đầu cả nước nên chính quyền địa phương kêu gọi doanh nghiệp đầu tư chế biến sâu. Ảnh: Quang Yên.
Tại huyện Ea H’leo, UBND tỉnh Đắk Lắk kêu gọi đầu tư 3 dự án với tổng mức đầu tư 350 tỷ đồng. Theo lãnh đạo UBND huyện Ea H’leo địa phương có diện tích đất tự nhiên hơn 133 nghìn ha, trong đó đất sản xuất nông nghiệp gần 80 nghìn ha (79.804,13 ha), trong đó có khoảng 65% diện tích đất bazan màu mỡ, rất thuận lợi để phát triển nông nghiệp.
Theo ông Phạm Văn Khôi, Phó Chủ tịch UBND huyện Ea H'leo, trên địa bàn huyện sản lượng ngành nông nghiệp rất lớn và có rất nhiều lợi thế. Tuy nhiên, hiện nay các doanh nghiệp, cơ sở chế biến nông sản sau thu hoạch đóng trên địa bàn và khu vực lân cận còn rất hạn chế về cả quy mô và chất lượng.
“Phần lớn sản phẩm nông sản của huyện được bán ra chủ yếu là dạng thô, giá bán thấp; chưa phát huy hết tiềm năng, lợi thế của địa phương. Do đó, việc đầu tư các nhà máy quy mô lớn để chế biến sâu các sản phẩm nông sản sau thu hoạch của địa phương rất cấp thiết và quan trọng cũng như là cơ hội rất lớn cho các doanh nghiệp thực hiện dự án đầu tư.
Việc các các doanh nghiệp đầu tư vào huyện sẽ góp phần rất lớn cho sự phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh, tạo động lực để người nông dân yên tâm sản xuất, góp phần vào sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững, sản xuất kinh tế tuần hoàn của địa phương”, ông Khôi thông tin.
Đắk Lắk kêu gọi 8 dự án đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Ảnh: Quang Yên.
Phó Chủ tịch UBND huyện Ea H’leo cho biết thêm, để thu hút đầu tư thời gian qua địa phương đã chủ động tiếp xúc, kêu gọi, làm việc với doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, rút ngắn tối đa thời gian chuẩn bị dự án đầu tư nhằm thu hút, triển khai các dự án trên địa bàn.
Theo đó, các đơn vị trên địa bàn huyện thường xuyên cập nhật thông tin, hoàn thiện cơ sở dữ liệu về tiềm năng, pháp luật, kinh tế - xã hội, thủ tục đầu tư; chính sách ưu đãi đầu tư, các quy hoạch trên các trang thông tin điện tử các đơn vị để cung cấp kịp thời, đầy đủ các thông tin cho nhu cầu khai thác tìm hiểu cơ hội đầu tư của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.
“Huyện cam kết sẽ thường xuyên hỗ trợ doanh nghiệp, giảm chi phí trung gian, tăng cường khả năng tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi, nguồn lực hỗ trợ của nhà nước. Triển khai các giải pháp đẩy nhanh việc hoàn thiện kết cấu hạ tầng cụm công nghiệp, hệ thống giao thông liên xã, giao thông nông thôn để vừa phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, vừa giúp cho việc lưu thông hàng hoá và đi lại của người dân, doanh nghiệp đến đầu tư tại địa phương. Tổ chức đối thoại với doanh nghiệp của lãnh đạo huyện, của ngành, địa phương để nắm bắt và kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp khi đến đầu tư tại địa phương.
Đồng hành cùng doanh nghiệp trong việc xúc tiến triển khai các quy trình, thủ tục để triển khai các dự án đầu tư, hỗ trợ công tác giải phóng mặt bằng, quy hoạch chi tiết, bàn giao mặt bằng, quỹ đất và kết nối hạ tầng giao thông, điện… phục vụ hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp khi đến đầu tư. UBND huyện sẽ giao các tổ thu hút đầu tư huyện, phòng chuyên môn trực tiếp làm việc cùng doanh nghiệp đối với từng nội dung, thủ tục cụ thể”, ông Khôi nhấn mạnh.
Nhiều dư địa thu hút đầu tư
Ông Nguyễn Hoài Dương, Giám đốc Sở NN-PTNT Đắk Lắk cho biết, địa phương có dư địa, tiềm năng phát triển nông nghiệp rất lớn.
Tuy nhiên, ông Dương cho rằng trong lĩnh vực thu hút đầu tư về nông nghiệp trong cả khâu sản xuất lẫn chế biến tại Đắk Lắk còn hạn chế. Đặc biệt hoạt động chế biến các sản phẩm nông sản tại địa phương chỉ chiếm từ 10-15%. Việc này có nhiều nguyên nhân nhưng đây cũng là dư địa rất tốt để các nhà đầu tư quan tâm.
Cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuôt khi hoàn thành sẽ thuận lợi cho các nhà đầu tư đến Đắk Lắk. Ảnh: Quang Yên.
“Hiện nay kết cấu hạ tầng ngày càng được hoàn thiện nhất là đường cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột sẽ hoàn thành trong thời gian tới. Việc này tạo ra cơ hội lớn cho việc giảm giá thành đầu tư, tăng hiệu quả”, ông Dương nói.
Theo ông Dương, việc thu hút các dự án sẽ giúp người dân yên tâm sản xuất và có cơ sở tạo dựng các vùng nguyên liệu tập trung, ổn định, đảm bảo chất lượng có thể chế biến. Các doanh nghiệp đến đây đầu tư là hướng đi tích cực, giúp cho phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng tập trung, có nguồn gốc xuất xứ, đảm bảo các tiêu chuẩn. Đặc biệt người dân có cơ hội hợp tác, liên kết sản xuất với doanh nghiệp.
“Các dự án sẽ giúp tạo việc làm cho người dân địa phương và góp phần đáng kể các nguồn thu cho ngân sách. Nghị quyết lần thứ 17 của Tỉnh ủy đặt ra yêu cầu bức bách và cần có chính sách, giải pháp quyết liệt để thu hút đầu tư vào nông nghiệp. Đắk Lắk là vùng có dư địa rất lớn, trong thời gian tới tỉnh cần giải pháp quyết liệt để thu hút đầu tư”, ông Dương nhấn mạnh.
Đắk Lắk kêu gọi, tạo mọi điều kiện để các nhà đầu tư đến địa phương. Ảnh: Quang Yên.
Theo ông Nguyễn Thiên Văn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk, các danh mục kêu gọi đầu tư tại Đắk Lắk với mục đích làm sao các sản phẩm tạo ra sẽ là đầu kéo của doanh nghiệp và người dân. “Các doanh nghiệp chế biến sâu đến địa phương sẽ giúp hình thành chuỗi liên kết, hỗ trợ người dân trong việc bao tiêu sản phẩm, chế biến ngay tại địa phương để nâng cao giá trị nông nghiệp trên địa bàn tỉnh".
"Địa phương cam kết tạo mọi điều kiện cho các doanh nghiệp và có các chính sách ưu đãi riêng cho từng lĩnh vực. Đối với nông nghiệp thì tỉnh hỗ trợ xây dựng các cánh đồng mẫu lớn, xây dựng khối liên kết giữa doanh nghiệp và người dân để hình thành vùng nguyên liệu ổn định phục vụ chế biến. Bên cạnh đó tỉnh sẽ hỗ trợ về đất đai, thủ tục để thực hiện xây dựng các nhà máy…”, ông Văn chia sẻ. |