HỖ TRỢ KHÁCH HÀNG
0923.423.423
Danh mục sản phẩm
Hỗ trợ trực tuyến
Cơ hội cho ngành Cà phê Đắk Nông
Giá cà phê nhân liên tục tăng cao, có những ngày vượt qua mốc 130.000 đồng/kg và đây là cơ hội lớn để ngành Cà phê Đắk Nông tái cơ cấu, vươn xa.
Nông dân phấn khởi
Đắk Nông sẽ đẩy mạnh tái cơ cấu ngành hàng cà phê để đáp ứng yêu cầu của đối tác nhập khẩu
Gia đình ông Trần Văn San ở thôn 12, xã Nhân Cơ, huyện Đắk R’lấp (Đắk Nông) có 5ha cà phê. Những năm qua, nhờ áp dụng hiệu quả các biện pháp kỹ thuật nên năm nào năng suất cũng đạt trung bình 4 tấn nhân/ha.
Ông San cho biết: “Điều đáng mừng là vụ vừa qua gia đình tôi thật sự “trúng mùa, được giá”. Đây là năm trúng mùa nhất kể từ khi gia đình trồng cà phê. Với 14 tấn cà phê nhân, tôi đã bán với giá trên 100.000 đồng/kg. Mức giá này tôi chưa từng nghĩ đến”.
Còn gia đình ông Trần Văn Hưng ở xã Nam Bình, huyện Đắk Song năm nay cũng bán được cà phê với giá cao. Những năm trước với giá cà phê dưới 40.000 đồng/kg thì hầu như chỉ hòa vốn và lãi rất ít.
Năm nay khi vừa bán cà phê với giá 98.500 đồng/kg, gấp đôi những năm trước nên ông Hưng rất phấn khởi vì có thu nhập khá cao.
Giá cà phê tăng giúp ông Trần Văn Hưng ở xã Nam Bình, huyện Đắk Song có thêm điều kiện phục hồi, tái canh cà phê
Ông Hưng chia sẻ, với giá cà phê như hiện nay, ông sẽ tích cực chăm sóc vườn và dự kiến sẽ phục hồi, tái canh diện tích cà phê phát triển kém trong vụ tới đây.
Theo thống kê, hiện Đắk Nông có khoảng 142.000 ha cà phê, sản lượng trên 360.000 tấn. Diện tích, sản lượng cà phê của Đắk Nông đứng thứ 3 cả nước và khu vực Tây Nguyên (sau 2 tỉnh Đắk Lắk và Lâm Đồng).
Trong nhiều năm qua, khi giá cà phê ở mức thấp không tương xứng với công đầu tư, chăm sóc nên nhiều nông dân dần chuyển sang những cây có giá trị cao hơn. Năm nay, giá cà phê ở mức cao kỷ lục sẽ là cơ hội thúc đẩy nông dân tiếp tục đầu tư chăm sóc, khôi phục lại diện tích cây trồng này.
Theo các chuyên gia Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam, mặc dù giá cà phê tăng cao, nhưng hiện nay, ngành Cà phê của cả nước cũng như của Đắk Nông đang đối mặt với những thách thức cần phải thích ứng và vượt qua.
Trong đó, có những thách thức hiện hữu như: Thách thức về biến đổi khí hậu; tình trạng lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật; các quy định về chống phá rừng (EUDR) của EU; thẩm định chuỗi cung ứng của chính phủ Đức…
Tuyển lựa cà phê chín tại HTX Bechamp, xã Trường Xuân (Đắk Song)
Ông Bạch Thanh Tuấn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam cho rằng: “Trong bối cảnh thị trường hiện nay, chúng ta cũng đang đối mặt với rất nhiều khó khăn. Chính vì thế, trong thời điểm giá tốt, tỉnh Đắk Nông cần lưu ý những vấn đề chính yếu đối với cây cà phê trong thời gian tới”.
“ Khi giá cà phê tốt thì chính sách của địa phương và quyền lợi của người sản xuất sẽ đồng hành với nhau, tạo cơ hội đầu tư, phát triển lâu dài. Ông Bạch Thanh Tuấn Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam |
Theo ông Bạch Thanh Tuấn, điều trước tiên là nếu để nông dân mở rộng diện tích, vô hình trung người dân trồng cà phê trên diện tích đất rừng hoặc gây hại tới rừng thì sẽ trở thành mối nguy chung đối với ngành hàng cà phê cả nước.
Mặt khác, giá tốt cũng giúp người sản xuất bù lại những thiệt hại của những năm trước. Tuy nhiên, địa phương cần xem đây là cơ hội để tái cơ cấu ngành.
Đồng thời, tập trung những giải pháp đầu tư về khoa học công nghệ như: Các giải pháp bón phân, tưới nước, xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ… Vì giá cao thì cơ hội đầu tư cũng tốt hơn.
Cùng với đó, đây cũng là điều kiện thuận lợi để phục hồi những diện tích cà phê bị suy giảm do sự cạnh tranh của một số loại cây trồng như: sầu riêng, chanh dây, bơ… những năm về trước.
Sử dụng giống mới để tái canh giúp vườn cà phê của gia đình ông Trần Văn Cường ở xã Thuận An, huyện Đắk Mil đạt năng suất, chất lượng cao
Đồng thời, đây cũng là lúc ngành Nông nghiệp tỉnh thực hiện các chính sách về quy hoạch vùng trồng, áp dụng quy chuẩn, giữ lại diện tích cà phê trên những vùng phù hợp với yêu cầu, quy định của đối tác nhập khẩu.
“Khi điều kiện đầu tư tốt, những diện tích cà phê già cỗi sẽ được tái canh. Đây là cơ hội để áp dụng các giống mới, năng suất cao, chất lượng tốt hơn”, ông Bạch Thanh Tuấn chia sẻ.
Văn Tâm
Bài viết gốc: https://baodaknong.vn/co-hoi-cho-nganh-ca-phe-dak-nong-211535.html
Nguồn "Báo Đắk Nông điện tử"
Các tin khác
- Thí điểm cơ chế tín dụng để phát triển vùng nguyên liệu đạt chuẩn xuất khẩu (04/10/2024)
- Hạt tiêu Việt Nam sẽ được hưởng lợi nhờ giá xuất khẩu cao (30/09/2024)
- Nhiều lợi ích khi dùng chế phẩm sinh học (25/09/2024)
- Vì sao nông sản chất lượng cao khó tiêu thụ? (20/09/2024)
- Loại cà phê chủ lực của Việt Nam tăng giá kỷ lục chỉ trong 1 tuần (16/09/2024)
- Hiệu quả của trồng cây nương tự nhiên ở Đắk Nông (11/09/2024)
- Xuất khẩu nông lâm thủy sản 8 tháng đạt hơn 40 tỷ USD (06/09/2024)
- Đắk Nông nhân rộng mô hình sản xuất thích ứng biến đổi khí hậu (30/08/2024)