s1s2

HỖ TRỢ KHÁCH HÀNG

0923.423.423

Hỗ trợ trực tuyến

Giám đốc kinh doanh: Mrs Chu Quỳnh Lâm

Điện thoại: 094 7471247

Nhiều lợi ích khi dùng chế phẩm sinh học

Thời gian gần đây, nhiều nông dân ở Tây Nguyên đã dần thay đổi cách thức canh tác, chuyển sang dùng các loại chế phẩm sinh học để bảo vệ cây trồng, tạo nên môi trường thân thiện đối với sức khỏe con người. Huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai với hơn 55.000 ha đất canh tác nông nghiệp là ví dụ điển hình cho sự thay đổi này.

Môi trường sống an lành

Việc sử dụng chế phẩm sinh học để bảo vệ thực vật ngày càng trở nên phổ biến tại Chư Păh. Xu hướng này không chỉ mang lại nhiều lợi ích cho môi trường mà còn góp phần bảo vệ sức khỏe con người, đồng thời đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển nông nghiệp bền vững.

Gia đình anh Bùi Văn Dương (xã Ia Ka, huyện Chư Păh) sở hữu khu vườn rộng 2,7 ha với nhiều loại cây ăn trái: sầu riêng, nhãn, bơ và bưởi. Do trồng xen kẽ nhiều loại cây khác nhau nên khu vườn của anh hay bị lây nhiễm sâu bệnh.

Ban đầu, anh Dương dùng thuốc hóa học để trị sâu bệnh cho cây trồng. Sau một thời gian, nhận thấy chi phí quá cao, nhất là ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người thân, anh quyết định chuyển sang tự chế biến phân bón và thuốc hữu cơ sinh học để giảm thiểu nguy cơ độc hại.

Anh Bùi Văn Dương (xã Ia Ka, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) chăm sóc khu vườn 2,7 ha của mình

Anh Dương cho biết đã tìm hiểu, áp dụng phương pháp canh tác hữu cơ bằng các chế phẩm vi sinh bản địa, nói không với hóa chất độc hại, đặc biệt là thuốc trừ sâu rầy bằng hóa chất. Khi cây trồng bị sâu rầy phá hoại, gia đình anh sử dụng chế phẩm men vi sinh tự tạo để kiểm soát dịch bệnh một cách hiệu quả mà không gây hại cho môi trường. Việc này đã được anh áp dụng liên tục nhiều năm qua.

"Đa phần các loại sâu rầy có tính kiềm trong thân nên tôi sử dụng các chủng vi sinh, chẳng hạn bacillus kết hợp với men ủ tỏi và củ riềng, để tiêu diệt" - anh Dương tiết lộ.

Tại tỉnh Kon Tum, huyện Đăk Hà được xem là "thủ phủ" trồng cà phê và các loại cây ăn trái. Nhiều vườn cây ở đây đã canh tác theo hướng nông nghiệp sạch, dùng thuốc bảo vệ thực vật là các chế phẩm sinh học để sản phẩm có thể xuất khẩu sang những thị trường khó tính.

Gia đình ông Nguyễn Văn Ghi (xã Hà Mòn, huyện Đăk Hà) có vườn đa canh 2,5 ha, gồm sầu riêng, bưởi, mít, ổi, cam... Ông cho biết thuốc hóa học gây ra quá nhiều độc hại, không chỉ cây trồng ngày càng chết dần chết mòn mà đến cả những loại sinh vật có lợi sinh sống dưới lòng đất cũng không sống nổi. Do đó, vườn cây của gia đình ông nhiều năm nay chỉ sử dụng các chế phẩm sinh học.

Canh tác hữu cơ đang là xu hướng của nông dân Tây Nguyên. Trong ảnh: Ông Nguyễn Văn Ghi (xã Hà Mòn, huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum) phun chế phẩm hữu cơ cho vườn cây ăn trái

"Nhờ vậy, gia đình tôi sinh sống an toàn ngay trong vườn cây. Sức khỏe cả nhà được bảo đảm, sản phẩm do mình làm ra cũng dễ tiêu thụ và bán được giá tốt" - ông Ghi tin tưởng.

Giá trị sản phẩm cao hơn

Khi nông dân chuyển dần sang sử dụng thuốc bảo vệ thực vật bằng chế phẩm sinh học, các đại lý phân bón và thuốc trừ sâu cũng dần thay thế các sản phẩm làm từ hóa chất bằng phân bón hữu cơ và chế phẩm sinh học.

Theo ông Đoàn Thơm - chủ một đại lý phân bón, thuốc trừ sâu ở xã Ia Ka, huyện Chư Păh - lượng thuốc bảo vệ thực vật bằng các chế phẩm sinh học tại cửa hàng ông được tiêu thụ gần đây đã gần bằng thuốc làm bằng hóa chất.

"Thuốc sinh học có tác dụng chậm hơn, đòi hỏi phải phun nhiều lần hơn. Bù lại, chúng giúp cây trồng phát triển bền vững, không làm hại môi trường, sản phẩm làm ra giá trị cao hơn" - ông Thơm đánh giá.

Qua thời gian dài sử dụng thuốc bảo vệ thực vật bằng sinh học, ông Nguyễn Văn Ghi nhận thấy rất hiệu quả, song ông cho rằng quan trọng là phải biết cách dùng. Ông so sánh: "Thuốc bảo vệ thực vật sinh học cũng giống như thuốc đông y điều trị cho con người, không thể diệt trừ ngay được sâu bệnh mà phải có thời gian và sử dụng nhiều lần. Nông dân cũng cần nắm bắt kỹ vườn cây, khi thấy chớm bị sâu bệnh là "điều trị" ngay mới có tác dụng".

Ông Lê Văn Thanh, Giám đốc Hợp Tác xã Sản xuất - Thương mại - Dịch vụ - Du lịch nông nghiệp Ia Mơ Nông (huyện Chư Păh), cũng cho hay ngày càng nhiều người dân sử dụng chế phẩm sinh học trong canh tác nông nghiệp vì không gây hại cho môi trường. "Tuy nhiên, để đạt hiệu quả cao, đòi hỏi người dân cần phải có kiến thức về quy trình sử dụng, nhất là cần được thực hiện đồng loạt trên các vườn cây" - ông nhận xét.

Ông Bùi Đức Trung, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Kon Tum, cho rằng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật bằng các chế phẩm sinh học rất phù hợp với xu hướng hiện nay. Bởi lẽ, thị trường đang có nhu cầu ngày càng cao đối với thực phẩm sạch, an toàn theo các tiêu chuẩn VietGAP, Global GAP, tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ...

Theo ông Trung, việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học ở tỉnh Kon Tum có xu hướng tăng mạnh trong những năm gần đây, trên cơ sở phục vụ trồng trọt theo hướng sản xuất nông nghiệp sạch, xanh và bền vững. "Sử dụng thuốc bảo vệ thực vật bằng chế phẩm sinh học còn tạo điều kiện thuận lợi cho việc giám sát chất lượng nông sản, hỗ trợ công tác quản lý thuốc bảo vệ thực vật tốt hơn" - ông nhấn mạnh

Tạo động lực phát triển nông nghiệp hữu cơ

Ông Trần Xuân Khải, Chi Cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Gia Lai, đánh giá việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học ngày càng lan tỏa sẽ tạo động lực phát triển nền nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp xanh, qua đó nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm. Việc này còn góp phần làm giảm ô nhiễm môi trường, tăng "sức khỏe" của đất để phát triển nông nghiệp bền vững.

Tỉnh Gia Lai phấn đấu đến năm 2025 sẽ trở thành địa phương có tỉ lệ sử dụng thuốc bảo vệ thực vật bằng chế phẩm sinh học dẫn đầu khu vực Tây Nguyên.

Bài và ảnh: Hoàng Thanh

Bài viết gốc: https://nld.com.vn/nhieu-loi-ich-khi-dung-che-pham-sinh-hoc-196240922195500867.htm

Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn)