s1s2

HỖ TRỢ KHÁCH HÀNG

0923.423.423

Hỗ trợ trực tuyến

Giám đốc kinh doanh: Mrs Chu Quỳnh Lâm

Điện thoại: 094 7471247

Vì sao nông sản chất lượng cao khó tiêu thụ?

Vùng sản xuất rau tại xã Đông Cao, Mê Linh, Hà Nội. Ảnh: Thanh Tuyền.

Khó tìm đầu ra

Ông Đàm Văn Đua - Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ tổng hợp Đông Cao (huyện Mê Linh, Hà Nội) cho biết, hiện HTX có diện tích trồng rau đạt 200ha với sản lượng thu hoạch 60.000 tấn rau/năm, tuy nhiên, việc tiêu thụ rau của HTX này chủ yếu thông qua các thương lái của hệ thống chợ truyền thống Hà Nội và các tỉnh. Nguyên nhân do quá trình đưa sản phẩm rau xanh đạt tiêu chuẩn OCOP vào hệ thống siêu thị gặp khó khăn trong công tác bảo quản, vận chuyển.

Tương tự, Giám đốc HTX Nông nghiệp xã Đại Thành (Quốc Oai, Hà Nội) Trần Anh Khoa cũng cho biết, Đại Thành có hơn 1.600 hộ trồng nhãn, diện tích 215ha, trong đó 60ha sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, sản lượng ước đạt 2.500 tấn quả/vụ. Song đến nay, loại đặc sản này vẫn loay hoay với bài toán tiêu thụ vì số lượng doanh nghiệp (DN) liên kết tiêu thụ rất ít, nông dân phải tự tìm kênh phân phối cho sản phẩm.

Phân tích nguyên nhân khiến sản phẩm nông sản gặp nhiều khó khăn trong quá trình tiêu thụ, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam Đặng Phúc Nguyên đánh giá, có tình trạng đứt gãy trong liên kết sản xuất - tiêu thụ là bởi nhiều người nông dân vẫn sản xuất theo hướng gieo trồng rồi mới tìm kiếm nhà tiêu thụ. Điều này dễ xảy ra tình trạng người dân không tiêu thụ được sản phẩm, trong khi DN thiếu hàng.

Ở góc độ khác, nguyên Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam Vũ Thị Hậu cho biết, hiện vẫn còn có những yếu tố thống lĩnh độc quyền của một số nhóm siêu thị, khiến việc đưa hàng OCOP đạt tiêu chuẩn vào một số siêu thị gặp rất nhiều khó khăn. Đồng thời, chủ thể OCOP phải đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng, các quy định cơ quan quản lý nhà nước...

Bàn về vấn đề này, ông Nguyễn Minh Tiến - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cũng thừa nhận, nông sản Việt Nam dù được nhiều thị trường đánh giá cao về chất lượng, song theo, người tiêu dùng Việt Nam lại chưa có điều kiện tiếp cận nhiều với nông sản có chất lượng cao.

Việc này, theo ông Tiến, hiện hầu hết với các DN lớn kinh doanh nông sản, đặc biệt là nông sản có giá trị cao tập trung vào thị trường xuất khẩu; giá trị xuất khẩu trên thị trường quốc tế cao hơn thị trường trong nước. Lợi nhuận cao hơn thì DN trong nước sẽ ưu tiên xuất khẩu. Về phía cơ quan nhà nước, cơ chế kiểm soát và công tác quản lý chưa thực sự hoàn thiện. Trong khi người tiêu dùng lại mong muốn sản phẩm giá rẻ, nên những nông sản chưa đảm bảo chất lượng hoặc chất lượng không cao vẫn trôi nổi trên thị trường.

Liên kết chặt sản xuất với bán lẻ

Để tiêu thụ sản phẩm nông sản, đặc sản địa phương, đòi hỏi cơ quan quản lý tạo ra cầu nối giữa người sản xuất với nhà bán lẻ. Thực tế trong khi DN sản xuất sản phẩm nông sản, đặc sản địa phương loay hoay tìm đầu ra cho sản phẩm thì nhiều DN bán lẻ chưa gặp được các chủ thể có sản phẩm tốt để kết nối tiêu thụ.

Theo các chuyên gia kinh tế để tạo đầu ra cho nông sản, đặc sản địa phương các DN, cơ quan quản lý cần đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, trong đó chú trọng hiệu quả kênh online. Để thông tin sản phẩm tới người tiêu dùng, bên cạnh việc tham gia hội chợ, DN nên khai thác hiệu quả kênh online. Các DN, HTX cần tập trung hoạt động livestream bán nông sản, đặc sản địa phương trên nền tảng TikTok và các mạng xã hội. Từ đó, các sản phẩm nông sản, đặc sản sẽ tạo được sự lan tỏa rộng khắp đến người tiêu dùng cả nước.

Để hỗ trợ hàng nông sản, đặc sản địa phương chinh phục thị trường trong nước ông Tiến cho biết, Bộ NNPTNT đã hỗ trợ các DN, HTX đẩy mạnh quảng bá trên nền tảng mạng xã hội, vì những phiên livetreams tạo ra hiệu ứng lan tỏa rất lớn. Qua các phiên livetreams, người tiêu dùng sẽ nhận thức được giá trị từ sản phẩm, theo đó, khả năng chi trả của họ cho sản phẩm sẽ ở mức cao hơn. Cùng với đó, cần đẩy mạnh hệ thống logistics chuyên biệt, cần nhất là logistics lạnh, kho lạnh, xe chuyên chở chuyên dùng để sản phẩm đến tay người tiêu dùng đảm bảo an toàn chất lượng.

Bên cạnh những giải pháp hỗ trợ trên, theo ông Tiến, sự chủ động người sản xuất (nông dân) vẫn là yếu tố quyết định. Người nông dân cần được cấp phép, bảo đảm được quy trình về pháp lý, hình thành các kênh phân phối, cùng với sự vào cuộc của Nhà nước, hiệp hội thì người tiêu dùng trong nước sẽ được tiếp cận nhiều hơn nữa với nông sản chất lượng cao.

Khanh Lê

Bài viết gốc: https://daidoanket.vn/vi-sao-nong-san-chat-luong-cao-kho-tieu-thu-10290617.html

Nguồn: daiđoanket.vn